Hội thảo Viện Stanford và Viện nghiên cứu Tâm Anh: Chủ đề y khoa mang tính thời đại
Các chuyên gia cấp cao Stanford (Mỹ) sang Việt Nam phối hợp cùng Viện nghiên cứu Tâm Anh tổ chức hội thảo khoa học với nhiều chủ đề mang tính thời đại: Virus cho bệnh nhiễm trùng, viêm gan, ung thư ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo trong việc phát hiện các bệnh nhiễm trùng và chăm sóc sức khỏe; kết hợp tham quan Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Hội thảo hướng đến mở rộng hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ về khoa học y tế chuyên sâu và đổi mới sáng tạo, nhằm triển khai các nghiên cứu, phát minh mới.
Hội thảo tiếp tục khẳng định nỗ lực đưa Việt Nam tiếp cận khoa học thế giới, thông qua vai trò quan trọng của các giáo sư, các nhà khoa học, góp phần giúp các nhà khoa học Việt Nam có cơ hội giao lưu, học hỏi, tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học quy mô quốc tế. Đồng thời, khẳng định tính khoa học từ Viện nghiên cứu Tâm Anh với các điều kiện về nhân lực và đầu tư để sẵn sàng hợp tác, nghiên cứu để sản xuất vắc xin, thuốc mới, ứng dụng kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh cho người dân.
Hội thảo khoa học giữa các nhà khoa học Việt – Mỹ, với hàng loạt chủ đề y học mang tính cấp thiết của thời đại như:
- Tương lai ngành công nghệ sinh học mới; Chuyển tải các nghiên cứu y sinh học cơ bản thành các ứng dụng liệu pháp chữa trị mới;
- Khả năng lập trình các loại thuốc kháng virus; Các bệnh truyền nhiễm cơ bản tại Việt Nam và vắc xin phòng bệnh;
- Làm thế nào để tối đa hóa năng suất nghiên cứu khoa học ứng dụng và lâm sàng – Kinh nghiệm sự nghiệp 45 năm trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghiệp;
- Giải pháp khử trùng tự động bằng tia cực tím để giảm nhiễm trùng liên quan đến chăm sóc sức khỏe;
- Xét nghiệm giải phẫu bệnh trong chẩn đoán ung thư tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh;
- Mô hình đa bệnh lý;
- Một số bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường hô hấp thường gặp ở Việt Nam;
- Ung bướu Tâm Anh, kiếm tìm hướng đi mới, hợp tác và phát triển;
- Chẩn đoán hình ảnh ung thư tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh.
Hội thảo còn định hướng mô hình khả thi để phát triển một cộng đồng bác sĩ trẻ có động lực nghiên cứu lâm sàng tại Việt Nam. Việt Nam cần thúc đẩy hơn việc nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học, thuốc mới đáp ứng nhu cầu trong trường hợp cấp bách như xảy ra dịch bệnh, thiên tai, bệnh truyền nhiễm mới nổi. Viện nghiên cứu Tâm Anh và Viện vi sinh & chống dịch Stanford cùng nhau xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại cho hoạt động thử nghiệm lâm sàng thuốc tại Viện nghiên cứu Tâm Anh theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ Stanford.
Hội thảo khoa học “Virus cho bệnh nhiễm trùng, viêm gan, ung thư ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo trong việc phát hiện các bệnh nhiễm trùng và chăm sóc sức khỏe” và chuyến tham quan, làm việc tại Việt Nam của ban lãnh đạo cấp cao Viện vi sinh & chống dịch Stanford diễn ra từ ngày 13 – 16/12/2023.
Hội thảo khoa học với nhiều chủ đề lớn, được các học giả, nhà nghiên cứu khoa học, giới y khoa trong và ngoài nước lẫn người bệnh quan tâm.
Ở lĩnh vực điều trị, nổi bật và mang tính cấp thiết là bài báo cáo “Phương pháp mới điều trị viêm gan siêu vi D” của GS Jeffrey Glenn được nhiều nhà khoa học, bác sĩ trong nước mong đợi vì chủ đề này đang thu hút sự quan tâm của giới y khoa hiện nay. Viêm gan siêu vi D được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1977, trong quá trình sinh thiết gan từ mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân bị viêm gan siêu vi B. Người mắc cùng lúc viêm gan siêu vi B và D càng khiến bệnh dễ chuyển sang giai đoạn viêm gan và xơ hóa nặng, tiến triển đến xơ gan nhanh hơn và tăng tỷ lệ tử vong so với người bệnh chỉ nhiễm viêm gan siêu vi B đơn thuần.
Tại Việt Nam, cho tới nay chưa có kỹ thuật xét nghiệm và vắc xin phòng bệnh viêm gan siêu vi D. Viện vi sinh & chống dịch Stanford sẽ trực tiếp đào tạo về kỹ thuật xét nghiệm viêm gan siêu vi D theo “tiêu chuẩn Stanford” cho Trung tâm Xét nghiệm. Hợp tác này góp phần giúp Việt Nam quản lý về mật độ bệnh viêm gan do virus thuận lợi hơn, hỗ trợ bác sĩ điều trị tốt hơn và cuối cùng là giúp hàng triệu người bệnh đang nhiễm viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi D hạn chế, tránh được những biến chứng nguy hiểm.
Ước tính, thế giới có khoảng 400 triệu người nhiễm viêm gan siêu vi B mạn tính, trong đó có khoảng 15 – 20 triệu người có bằng chứng huyết thanh về việc phơi nhiễm viêm gan siêu vi D. Riêng tại Việt Nam, Bộ Y tế thống kê Việt Nam là một trong các nước có tỷ lệ lưu hành virus viêm gan B cao nhất thế giới, từ 10% – 20% dân số mắc bệnh (ước tính 12 – 16 triệu người), trong đó có khoảng 5 triệu người trong tình trạng viêm gan mạn tính, xơ gan hoặc ung thư gan. Riêng nhóm trẻ em, tỷ lệ mẹ lây nhiễm virus viêm gan siêu vi B cho con từ 5% – 10%, đáng buồn khi có tới 90% trẻ em đã chuyển sang bệnh viêm gan B mạn tính. Viêm gan siêu vi B là bệnh rất dễ lây lan, khả năng lây nhiễm của virus viêm gan B cao gấp 50 – 100 lần so với HIV.
Tại hội thảo, vấn đề nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, các loại thuốc mới trong điều trị cũng được nhiều nhà khoa học, bác sĩ điều trị quan tâm. Đây không chỉ là nhu cầu của các nước có nền y học phát triển như Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu, mà ngay cả Việt Nam cũng hướng đến. Thực tế, chính sách ưu tiên sản xuất thuốc generic (thuốc được sản xuất giống thuốc gốc sau khi hết thời hạn bảo hộ phát minh) đã không còn hoàn toàn phù hợp với nhu cầu cung cấp thuốc, mô hình bệnh tật, các dịch bệnh mới tại Việt Nam.
Do đó, Việt Nam rất cần thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học, thuốc mới đáp ứng nhu cầu trong trường hợp cấp bách như xảy ra dịch bệnh, thiên tai, bệnh truyền nhiễm mới nổi. Do đó, Viện nghiên cứu Tâm Anh và Viện vi sinh & phòng chống dịch Stanford cùng nhau xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại cho hoạt động thử nghiệm lâm sàng thuốc tại Viện nghiên cứu Tâm Anh theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ Stanford.
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Robot trong điều trị cũng được các chuyên gia đưa ra trao đổi. Tại Hội thảo, các chuyên gia hàng đầu từ Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã giới thiệu đến các chuyên gia Stanford kinh nghiệm thực tiễn về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong khám chữa bệnh tại Việt Nam, tiệm cận với thế giới như:
- Trung tâm Khoa học Thần kinh ứng dụng Robot mổ não trí tuệ nhân tạo Modus V Synaptive trong phẫu thuật các bệnh lý thần kinh – sọ não – cột sống và các ca bệnh điển hình đã được phẫu thuật thành công ngoạn mục bằng Robot này. Robot giúp bác sĩ thấy rõ toàn diện khối u, khối máu tụ trong mối tương quan với các bó sợi thần kinh, mô não lành trên cùng một hình ảnh 3D; bác sĩ mổ mô phỏng trước trên phần mềm chuyên dụng, chủ động lựa chọn vị trí, đường mổ tiếp cận khối u, khối máu tụ an toàn. Robot tiếp tục giám sát bác sĩ trong cuộc mổ chính thức, đảm bảo loại bỏ khối u hiệu quả mà không làm tổn thương dây thần kinh và mô não lành xung quanh. Người bệnh hồi phục nhanh, về nhà sớm.
- Trung tâm Hỗ trợ sinh sản nuôi phôi bằng trí tuệ nhân tạo, giúp phân loại tự động hình thái phôi hoặc tiên lượng các kết cục như khả năng làm tổ, tỷ lệ thai… Đây là phương pháp lựa chọn phôi không xâm lấn, khách quan, tiết kiệm thời gian và độ chính xác tiên lượng cao; qua đó giúp cải thiện tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm, hỗ trợ chuyên viên phôi học lựa chọn các phôi tốt nhất cho khách hàng.
- Trung tâm Tim mạch, sử dụng siêu “thuật toán” AI được tích hợp trong các máy siêu âm tim hiện đại giúp bác sĩ nhanh chóng cắt, dựng hình, đo đạc cấu trúc tim từ bào thai nhỏ như đồng xu, rút ngắn 70% thời gian siêu âm, với độ chính xác cao vượt trội. Nhờ công nghệ AI, thay vì bác sĩ phải ghi nhớ hàng loạt thao tác để thực hiện các phép đo, chỉ cần một nút bấm, máy siêu âm sẽ tự động nhận diện vùng quan tâm (ROI) cho phép tính toán phân suất tống máu (EF), đánh giá chức năng tim, phát hiện bất thường nhỏ nhất trên từng mạch máu trong tổ hợp mạch máu phức tạp. Nhiều trường hợp tim bẩm sinh nặng đã được phát hiện sớm từ tuần 16-17 thai kỳ và ngay sau sinh tại BVĐK Tâm Anh giúp can thiệp kịp thời, tăng cơ hội sống cho trẻ.
- Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình ứng dụng công nghệ thực tế ảo – “Mắt thần” (Navigation) Knee+ là thiết bị được sử dụng trong phẫu thuật tạo hình toàn bộ khớp gối. Thiết bị này giúp phẫu thuật viên định vị khớp nhân tạo dễ dàng hơn. Khi đó, các điểm giải phẫu của mặt cắt khớp gối sẽ được định vị và định hướng với các trục cơ học ở gối. Kính Knee+ sẽ phân tích các điểm đánh dấu cụ thể bằng mã phản hồi nhanh (QR-Code) tính toán chính xác tọa độ 3D và được quay lại bằng camera tích hợp. Chính vì thế, “Mắt thần” sẽ giải quyết các vấn đề đó, đảm bảo các yếu tố định vị và chỉ định cắt đều chính xác tuyệt đối, không có sai sót… với từng người bệnh vốn có những kích thước cơ thể và hệ thống xương khớp khác nhau.
- Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh & Điện quang can thiệp phối hợp Trung tâm Tiết niệu Thận học Nam khoa triển khai thành công can thiệp phì đại lành tính tuyến tiền liệt không phẫu thuật với sự trợ giúp của AI, giúp người bệnh nền, người không đủ sức khỏe, người lớn tuổi, bệnh nhân ngộ độc thuốc tê, thuốc mê; thậm chí người bệnh sợ mổ vẫn thực hiện được. Bởi phần mềm Embolization Guidance tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) đã “siêu chọn lọc” đúng các mạch máu nuôi tuyến tiền liệt cần can thiệp mà không nhầm lẫn giữa hàng trăm mạch máu vùng chậu lân cận. Điều này còn giúp rút ngắn thời gian thực hiện thủ thuật, vừa tránh được nguy cơ bỏ sót hoặc nút nhầm mạch máu nuôi các tạng xung quanh.
Ở lĩnh vực y tế dự phòng, chủ đề Các bệnh truyền nhiễm cơ bản tại Việt Nam và vắc xin phòng bệnh được BS Bạch Thị Chính đưa ra bàn luận cùng các chuyên gia thế giới, để tìm cách đối phó tốt hơn.
Tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa và di dân gia tăng là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát… do đó, thời gian tới diễn biến các bệnh truyền nhiễm khó lường.
Trong khi, các bệnh như sởi, thủy đậu, rubella, quai bị, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm gan siêu vi… rất phổ biến, mang tính mô hình bệnh tật đặc trưng tại Việt Nam. Với sự nỗ lực của các nhà khoa học, hiện nay đã có vắc xin phòng được bệnh sởi, quai bị, thủy đậu, rubella, ho gà, bạch hầu, viêm gan siêu vi B… nhưng với nhiều bệnh khác, tỷ lệ tử vong cao nhưng vẫn chưa có vắc xin như sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Riêng vắc xin ngừa sốt xuất huyết, hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với Công ty TNHH Takeda Pharmaceuticals (Asia Pacific) của Nhật Bản sớm đưa vắc xin ngừa sốt xuất huyết về Việt Nam. Theo thống kê từ Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận có khoảng 160.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 35 ca tử vong. Riêng bệnh tay chân miệng, có hơn 100.000 trẻ mắc bệnh, với 22 ca tử vong.
GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tâm Anh, cho biết Hội thảo khoa học “Điều trị chống virus cho bệnh nhiễm trùng, viêm gan, ung thư ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo trong việc phát hiện các bệnh nhiễm trùng và chăm sóc sức khỏe” là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai các chiến lược về y tế và chăm sóc sức khỏe mà Viện nghiên cứu Tâm Anh và Viện vi sinh & chống dịch Stanford đã ký kết tại Việt Nam vào tháng 9 năm 2023, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden.
Mục tiêu của hai bên là quyết tâm đẩy mạnh hợp tác đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học; nghiên cứu phát triển các loại thuốc phòng và trị bệnh; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và xây dựng hệ thống phòng lab hiện đại cho hoạt động thử nghiệm lâm sàng thuốc tại Viện nghiên cứu Tâm Anh theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ Stanford. Và điều này được lặp lại vững chắc hơn vào tháng 11 năm 2023 khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến thăm, chứng kiến lễ ký kết hợp tác về nghiên cứu thuốc giữa Viện nghiên cứu Tâm Anh và Viện vi sinh & chống dịch Stanford trong khuôn khổ chuyến công tác đến Mỹ.
Hội thảo lần này là minh chứng sự thành công, quyết tâm cao độ từ kết quả 2 chuyến thăm và làm việc qua lại của hai Chính phủ. Viện nghiên cứu Tâm Anh và Viện vi sinh & chống dịch Stanford tuân thủ chặt chẽ những cam kết, thắt chặt tình bằng hữu và là đối tác tin cậy lẫn nhau. Tất cả vì mục tiêu phụng sự khoa học, vì sức khỏe nhân loại. Hội thảo cũng là dịp để các chuyên gia Việt Nam và thế giới gặp nhau, trực tiếp chia sẻ, trao đổi những tiến bộ và thách thức trong y học hiện nay, từ đó bàn luận, tìm giải pháp, hướng đi mới trong việc nghiên cứu, nâng cao hiệu quả ứng dụng trong dự phòng, điều trị, giúp nền y khoa Việt Nam thêm vững chắc và cải thiện sức khỏe cho người bệnh tốt hơn.
Cũng theo GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện nghiên cứu Tâm Anh đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà khoa học lớn trên thế giới. Đây là niềm tự hào của Viện và cũng là cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam tham gia vào môi trường học tập, đào tạo, nghiên cứu… cùng với các chuyên gia thế giới, để Việt Nam sớm ghi dấu trên bản đồ nghiên cứu y khoa thế giới
Giáo sư Jeffrey Glenn đã đến thăm Hệ thống BVĐK Tâm Anh và rất ấn tượng với cơ sở vật chất khám chữa bệnh hiện đại cũng như đội ngũ y bác sĩ và nhân viên tại đây. Giáo sư Jeffrey Glenn đánh giá, việc Tâm Anh sở hữu hệ thống bệnh viện hàng đầu Việt Nam, viện nghiên cứu, hàng trăm trung tâm tiêm chủng vắc xin trên toàn quốc và còn xây dựng trường Đại học chú trọng đặc biệt đến vấn đề chuẩn bị cho đại dịch và xây dựng năng lực khoa học cơ bản cho thấy đây một đối tác lý tưởng của Stanford.
Thông tin thêm
GS.TS.BS Jeffrey Glenn – Viện trưởng Viện vi sinh và chống dịch Stanford, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về viêm gan và kỹ thuật mô gan
Giáo sư y học Jeffrey Glenn chuyên về lĩnh vực vi khuẩn học & miễn dịch tại Đại học Stanford. Ông được phong tặng ghế Joseph Grant (danh hiệu cao quý nhất dành cho các giáo sư ở Stanford). Ông là chuyên gia quốc tế về phát triển thuốc chống virus, đặc biệt với viêm gan virus. Ông là chuyên gia về viêm gan D, loại viêm gan virus tồi tệ nhất ảnh hưởng đến rủi ro ung thư gan của người bệnh tăng lên 200-600 lần.
Thực tế, Bộ trưởng Y tế của Mông Cổ đã liên lạc với ông để nhờ cố vấn, giải quyết vấn đề về ung thư gan. Các nước có tỷ lệ ung thư gan cao là Mông Cổ, Lào, Việt Nam. Ông quan tâm mạnh mẽ đến sức khỏe người dân trên khắp thế giới.
Ông đã đến Mông Cổ 10 lần và đã được chủ tịch quốc hội Mông Cổ mời tư vấn về kế hoạch chiến lược với bệnh viêm gan virus. GS.TS Glenn đã là người ủng hộ việc phát triển thuốc chống virus một cách chủ động ngay cả trước khi có COVID-19 để chống lại đại dịch virus. Hiện nay, ông đang lãnh đạo ViRx@Stanford, Viện An toàn sinh học và đối phó với đại dịch của Stanford. Mục tiêu của viện là phát triển những công cụ chống virus một cách chủ động để đối phó với đại dịch có thể xảy ra trong tương lai thay vì phản ứng thụ động. Dưới sự lãnh đạo của ông, Stanford đã thành công để trở thành 1 trong 9 Trung tâm Phát triển Thuốc chống virus quốc tế (AViDD). Ông là cố vấn cho Ủy ban đối mặt với vũ khí sinh học.
Ông cũng đã sáng lập và đồng sáng lập 3 công ty tập trung vào phát triển các phương pháp điều trị mới (bao gồm 3 loại thuốc trong giai đoạn nghiên cứu giai đoạn 3) và cam kết đảm bảo rằng những bệnh nhân trên khắp thế giới có mức tiếp cận với các loại thuốc đạt chuẩn quốc tế với giá phải hợp lý.
TS.BS Edward Pham – Viện phó Viện vi Sinh và chống dịch Stanford
Tiến sĩ Edward Pham đã nhận bằng y khoa và tiến sĩ về vi khuẩn học và miễn dịch từ Trường Y khoa Đại học Stanford. Hiện bác sĩ Edward Pham nghiên cứu chính vào y học nội khoa/nhóm mật đường huyết và nhiễm trùng gan, phát triển các phương pháp điều trị mới chống virus và chống ung thư. Một phần quan trọng của nghiên cứu của tiến sĩ là các thay đổi trong cấu trúc và chức năng tế bào trong các trường hợp nhiễm trùng virus như enteroviruses và SARS-CoV-2, và những thay đổi tế bào tương tự trong sự tiến triển của ung thư và các bệnh khác.
Một lĩnh vực nghiên cứu khác của tiến sĩ là hiểu rõ về giao diện giữa nhiễm trùng virus mạn tính và ung thư thông qua việc nghiên cứu cách hệ thống miễn dịch bẩm sinh và thích ứng bị xáo trộn trong các nhiễm trùng virus mạn tính.
Tiến sĩ Edward Pham là tác giả và chủ sở hữu của hơn 30 bài báo và bằng sáng chế khoa học liên quan đến các phương pháp điều trị mới chống virus và chống ung thư. Tiến sĩ đã nhận được nhiều giải thưởng và được chọn làm học viên Soros trong số 30 người nhận học bổng trên toàn quốc cho nghiên cứu y khoa của mình.
Tiến sĩ Edward Pham cũng là 1 trong 70 sinh viên y khoa được chọn cho Học bổng nghiên cứu y khoa Howard Hughes và sau đó được chọn làm 1 trong 3 Học viên Howard Hughes để làm đại biểu cho Hội nghị thành tựu Quốc tế từ Học viện thành tựu. Nghiên cứu tiến sĩ của ông đã được trao Học bổng từ Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH). Cùng với Giáo sư Glenn, anh đã thành lập ViRx@Stanford.
Giáo sư bác sĩ Harry Greenberg – Cố vấn Viện vi sinh & chống dịch Stanford
Bác sĩ Greenberg được phong hàm Giáo sư Emeritus tại Đại học Stanford và là cố vấn cho ViRx@Stanford. Tại Stanford, ông đã giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt bao gồm Trưởng khoa Nội tiêu hóa và Gan mật, Chủ tịch Bộ môn Y học, Phó giám đốc cao cấp cho Nghiên cứu và Giám đốc Spectrum, Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng và dịch chuyển từ bác sĩ đến bệnh nhân tại Stanford.
Ông tập trung sự nghiệp y học và khoa học của mình vào nghiên cứu về các loại virus tấn công các cơ quan tiêu hóa. Ông là người sáng chế và đã đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển vắc xin ngừa rotavirus, giảm tử vong cho hàng trăm triệu trẻ em trên toàn thế giới. Ông cũng là người tiên phong trong việc sử dụng phương pháp điều trị nội tiết tố như là phương thuốc chống virus để điều trị viêm gan virus mạn tính.
Tiến sĩ Greenberg cũng đã đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Vi khuẩn học Mỹ. Ông đã công bố hơn 300 bài báo và nắm giữ nhiều bằng sáng chế liên quan đến việc phát triển phương pháp điều trị mới chống nhiễm trùng virus.
Tiến sĩ Lương Minh Thắng, Cố vấn cấp cao AI Viện vi sinh & chống dịch Stanford
Tiến sĩ Lương Minh Thắng tốt nghiệp từ trường Stanford, ngành khoa học máy tính AI, trí tuệ nhân tạo. Tại Stanford, Lương Minh Thắng được hướng dẫn bởi giáo sư Christopher Manning. Ông là giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực ứng dụng Deep Learning vào xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Mục đích nghiên cứu của ông là giúp máy tính xử lý thông minh, hiểu và tạo ra dữ liệu ngôn ngữ con người. Cũng đi theo hướng này, mục đích của Lương Minh Thắng là dạy máy cách đọc hiểu văn bản có thể tóm tắt nội dung và trả lời câu hỏi chính trong đoạn văn.
Tháng 9/2016, tiến sĩ Lương Minh Thắng chính chức làm việc tại Google. Bên cạnh những đóng góp về nghiên cứu, tiến sĩ Thắng còn là chủ tọa mảng dịch máy tự động (machine translation) tại hội nghị Association for Computational Linguistics (ACL) về nghiên cứu khoa học ngôn ngữ máy tính diễn ra năm 2007. Tiến sĩ Thắng là tác giả đoạn code được phát hành công khai nhằm khuyến khích những nhà lập trình khác trên toàn thế giới tự xây dựng chương trình dịch máy tự động.
Anh hiện đang là nhà nghiên cứu cấp cao tại Google và nắm giữ trong tay hơn 50 bài nghiên cứu, 18.000 trích dẫn và hơn 15 bằng sáng chế. Anh cũng là người đồng sáng lập ra Meena, công nghệ nổi tiếng của Google (Google’s LaMDA chatbot và được Giám đốc điều hành tuyên dương. Anh cũng là tác giả đoạn code được phát hành công khai nhằm khuyến khích những nhà lập trình khác trên toàn thế giới tự xây dựng chương trình dịch máy tự động. Bài viết này được CEO Google Sundar Pichai đăng lại trên trang Twitter cá nhân. Anh đồng thời cũng là nhà đồng sáng lập Việt AI, một tổ chức phi lợi nhuận đã đào tạo ra hơn 1000 kỹ sư AI. Anh từng được tạp chí Forbes VN vinh danh là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành.
Tiến sĩ Vũ Duy Thức – Cố Vấn AI/Robotic Viện nghiên cứu & chống dịch Stanford
Tiến sĩ Vũ Duy Thức nhận bằng tiến sĩ của Đại học Stanford khi mới 28 tuổi, được tạp chí kinh doanh uy tín của Mỹ – Silicon Valley Business Journal vinh danh là một trong 40 nhân vật dưới 40 tuổi có ảnh hưởng nhất tại Silicon Valley năm 2017. Tiến sĩ Thức là người sáng lập OhmniLabs và sau đó là Kambria – một hệ sinh thái hoạt động trên nền tảng blockchain. Anh cũng gắn liền với nhiều dự án startup đình đám. Với vai trò Giám đốc đầu tư Quỹ Do Ventures, anh như một “ông Bụt” của rất nhiều dự án khởi nghiệp tại Việt Nam. VietAI – tổ chức phi chính phủ do Vũ Duy Thức đồng sáng lập – cũng mang khát khao xây dựng một mạng lưới nhân tài trong lĩnh vực AI tại Việt Nam.
“Tôi được làm quen với máy tính từ rất sớm so với các bạn cùng thế hệ và bắt đầu đam mê lập trình từ lúc học cấp III, nhờ được truyền cảm hứng từ người thầy ở Trường THPT Năng khiếu – Đại học Quốc gia TPHCM. Khi có cơ hội qua Mỹ học, tôi quyết định theo đuổi khoa học máy tính. Tôi bắt đầu nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo từ năm 2001, khi ngành này vẫn còn mới mẻ và chưa “hot” như bây giờ, vì tôi luôn tò mò và thích thú khi được khám phá về cách thức vận hành của trí óc con người, cùng câu hỏi liệu chúng ta có thể dạy cho máy móc sự thông minh của con người hay không. AI chính là điểm khởi đầu và đam mê về công nghệ mới đã đưa tôi đến những chân trời lớn hơn. Nền tảng kỹ thuật số phi tập trung, những con robot được lập trình phức tạp, có thể tự học hỏi và tự ra các quyết định thông minh để giải quyết các vấn đề của con người.
Ngoài ra còn có lĩnh vực mới nữa là “metaverse” – vũ trụ các thế giới ảo liên kết tương hỗ nhau với đầy đủ hệ thống liên lạc, tiền tệ, vận chuyển, sản xuất… Tương lai của loài người là vô tận với những tiềm năng mà công nghệ mang tới và tôi bị mê hoặc bởi viễn cảnh này. Nó cũng là động lực thúc đẩy tôi dấn thân và làm việc không ngừng nghỉ”.
Cô Wendy Nguyen – Cố vấn chiến lược cấp cao, Giám đốc Đối ngoại toàn cầu
Wendy hiện đang nắm giữ vai trò Cố vấn chiến lược cấp cao và Giám đốc Đối ngoại toàn cầu tại Viện vi sinh & chống dịch Stanford. Cô có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành quản lý cấp cao hệ thống bệnh viện. Trước đây cô là đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Med2lab, một công ty khởi nghiệp tập trung vào đào tạo sinh viên y khoa. Hệ thống được trường y Harvard và Stanford áp dụng.
Trước đó, cô đã có 5 năm làm việc trong Nhóm Quản lý điều hành tại Bệnh viện Đa khoa Marin, dưới sự đào tạo của Giám đốc điều hành nổi tiếng, Lee Domanico. Wendy cũng đóng vai trò là Chủ tịch và Người sáng lập của Vietnovo, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ cung cấp hỗ trợ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ em nghèo ở nước ngoài.
Wendy được đào tạo qua chương trình kinh tế cấp cao tại trường Stanford và của Đại học Y Khoa UCSF (University of California, San Francisco. Cô lấy bằng cử nhân và nghiên cứu ngành Tâm lý học tại Đại học của bang Massachusetts với bằng xuất sắc.
Ngoài ra, Quý khách hàng có thể tham khảo thêm sản phẩm Colmin chính hãng có bán tại Hệ Thống Nhà Thuốc Gia Hân Pharmacy & giao hàng trên toàn quốc.
Hệ Thống Nhà Thuốc Gia Hân Pharmacy là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.