Sỏi san hô lấp kín thận, có viên to bằng ngón chân cái
Đau bụng, lưng dai dẳng, bà G. được con trai đưa đến bệnh viện khám, bác sĩ phát hiện thận trái bị lấp kín bởi sỏi và dịch mủ.
Thận có sỏi, ứ mủ vàng đặc sệt
2 tuần trước, bà Đ.K.G. (73 tuổi, Bà Rịa – Vũng Tàu) đau quặn bụng vùng hông lưng trái. Bà được con trai đưa đến bệnh viện gần nhà khám. Bác sĩ siêu âm thấy thận trái bà có sỏi nhưng chưa đánh giá được tính chất và kích thước sỏi. Bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau rồi cho bà về nhà.
Thuốc giảm đau hết, cơn đau trở lại, mức độ nặng hơn, bà không chịu nổi. Thương mẹ, con trai quyết định đưa bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám và điều trị.
Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Tân Cương, Phó khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, chỉ định chụp CT 768 lát cắt và phát hiện khối sỏi san hô đường kính 5cm (cỡ quả quýt) trong thận trái người bệnh. Nước tiểu người bệnh có rất nhiều hồng cầu và bạch cầu, dấu hiệu nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Người bệnh được điều trị kháng sinh trước 1 tuần, tạm thời giải quyết nhiễm trùng, ngăn nguy cơ nhiễm trùng vào máu khi phẫu thuật lấy sỏi.
“Do kích thước khối sỏi rất to, cứng, phức tạp, lại nhiễm trùng nên không thể áp dụng nội soi tán sỏi thông thường. Quá trình điều trị thường lâu dài, nhiều lần mổ và nguy cơ biến chứng chảy máu, nhiễm khuẩn máu, suy giảm chức năng thận”, bác sĩ Cương giải thích.
Tại phòng mổ, bác sĩ Cương dùng dao mổ điện hàn mạch Covidien rạch một đường dài 12cm dưới mạn sườn trái để tiếp cận thận. Tiếp đó, bác sĩ cẩn thận cắt nhu mô thận theo đường vô mạch (khu vực có ít mạch máu trên thận) nhằm hạn chế tối thiểu chảy máu.
Khi thận được mở ra, bác sĩ thấy mủ vàng, đặc sệt, dính, ứ đầy trong các đài thận, thể tích khoảng 50-60ml. Do khối sỏi san hô lớn, có nhiều nhánh, không thể lấy hết trong một lần mà phải gắp lần lượt từng nhánh nhỏ. Theo quan sát, tổng cộng có 8 viên sỏi được gắp ra, viên lớn nhất to cỡ ngón chân cái người trưởng thành. Các viên sỏi sần sùi, nhiều hình dạng, màu nâu đỏ đậm.
Lấy sỏi xong, bác sĩ hút sạch mủ, rửa các xoang thận, mô xung quanh thận, cuối cùng khâu lại vết thương. Toàn bộ cuộc mổ kéo dài 120 phút.
3 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe bà G. phục hồi nhanh, vết mổ lành tốt, ít đau, có thể đi lại và ăn uống bình thường. Sau khi hướng dẫn cách chăm sóc, ăn uống, lịch tái khám, bà được xuất viện.
75% người mắc sỏi san hô là phụ nữ
Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Tân Cương cho biết có nhiều loại sỏi thận khác nhau, được phân loại theo thành phần hóa học như: sỏi canxi (canxi oxalat, canxi phốt phát), sỏi axit uric, sỏi struvite (sỏi do nhiễm khuẩn), sỏi cystein.
Sỏi san hô là sỏi lấp đầy xoang thận và các đài thận, hình dạng như cây san hô. Đây là loại sỏi phức tạp và nguy hiểm nhất, thường do nhiễm khuẩn. Do hình thành trong tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu kéo dài nên sỏi san hô còn gọi là sỏi nhiễm trùng. Các vi khuẩn phân giải urê trong nước tiểu thành ammonium rồi kết hợp với magie và phốt phát tạo ra sỏi.
Kích thước sỏi gia tăng âm thầm. Đến khi người bệnh có biểu hiện đau âm ỉ, dai dẳng hông, lưng, có thể kèm theo tiểu rắt, tiểu máu, thì khối sỏi đã lớn, hoặc có biến chứng như ứ mủ, áp xe, viêm quanh thận…
Nếu không sớm điều trị nhiễm trùng và lấy sỏi ra ngoài, khối sỏi sẽ làm tắc nghẽn đường tiểu, gây ứ nước khu trú hoặc toàn bộ thận, viêm thận, nhiễm trùng máu, suy giảm chức năng thận.
Thông thường, sỏi san hô hình thành một bên thận, chỉ 15% trường hợp xuất hiện ở cả 2 bên.
Khoảng 75% người bệnh mắc sỏi san hô là phụ nữ. Nguyên nhân có thể do ống dẫn nước tiểu ở nữ giới ngắn hơn ở nam giới nên nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn.
Ngoài ra, sỏi san hô cũng dễ hình thành ở người bệnh cao huyết áp, bàng quang thần kinh, xốp tủy thận (dị tật bẩm sinh gây ra các nang nhỏ chứa đầy chất lỏng trong tủy thận), tiểu đường (đái tháo đường)…
Theo bác sĩ Cương, nội soi qua đường hầm nhỏ tán sỏi thận bằng laser là phương pháp được ưu tiên trong điều trị sỏi san hô. Mổ mở thường chỉ áp dụng khi khối sỏi quá lớn hay có nhiễm khuẩn nặng.
Sỏi san hô dễ tái phát nên đòi hỏi phẫu thuật viên cần cẩn thận, tỉ mỉ khi lấy sỏi, tránh chảy máu, sót sỏi, làm tăng nguy cơ hình thành khối sỏi mới và nhiễm khuẩn. Ngoài ra, thói quen ăn mặn, ăn quá nhiều thịt, thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, uống ít nước (dưới 1,5 lít/ngày), uống nhiều bia rượu, đồ uống có gas, ít vận động… cũng dễ gây tái phát sỏi.
Bác sĩ Cương khuyến cáo sỏi san hô nguy hiểm, âm thầm đe dọa làm suy giảm chức năng thận. Người có triệu chứng đau lưng do sỏi thận hoặc đã xác định có sỏi thận nên đến bệnh viện có chuyên khoa Tiết niệu, có trang bị máy móc chẩn đoán hình ảnh hiện đại để xác định chính xác tình trạng bệnh và có phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả.
Ngoài ra, người nhiễm khuẩn đường tiểu nhiều lần cũng nên đi khám, điều trị dứt điểm để tránh những biến chứng gây hậu quả lâu dài như sỏi san hô.
Ngoài ra, Quý khách hàng có thể tham khảo thêm sản phẩm Nordisk Urkraft chính hãng có bán tại Hệ Thống Nhà Thuốc Gia Hân Pharmacy & giao hàng trên toàn quốc.
Hệ Thống Nhà Thuốc Gia Hân Pharmacy là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.